Các doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, đào tạo lao động và nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước…
Thông tin tại Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam các vấn đề chiến lược và định hướng giải pháp phát triển đến năm 2030” mới được tổ chức tại TP.HCM, bà Đỗ Thị Thu Hương, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam thuộc hàng năng động nhất thế giới. Việt Nam đã vươn lên trở thành nước sản xuất gỗ và đồ nội thất lớn thứ 7 và là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới.
Trong nước, xuất khẩu gỗ cũng nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, mức độ thặng dư thương mại xếp thứ 3 trong các mặt hàng, tạo việc làm cho hơn nửa triệu lao động. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh trong thời gian khá ngắn cũng khiến ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến và năng suất lao động hạn chế so với các quốc gia khác.
Riêng về nguyên liệu, hiện nay nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.
Vấn đề của nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước hiện nay là trong tổng số 3,19 triệu hecta có tới 1,45 triệu hecta sản xuất quy mô hộ gia đình riêng lẻ, chủ yếu là gỗ nhỏ. Diện tích trồng rừng đạt chứng chỉ quản lý bền vững chỉ khoảng 307.000ha, chiếm 8,4% tổng diện tích rừng trồng của cả nước.
Về công nghệ, một số nhóm doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu, tuy nhiên các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với các thiết bị hiện nay.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến và năng suất lao động.
Một điểm yếu khác của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam là tính liên kết theo chuỗi chưa cao. Số liệu khảo sát 311 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho thấy chỉ có 10,5% doanh nghiệp có ký hợp đồng dài hạn (từ 36 tháng trở lên) với các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước; hơn 7% doanh nghiệp có ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài.
Cùng nhận định, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng những thành tựu mà ngành gỗ và nội thất Việt Nam đạt được trong những năm gần đây là rất đáng khích lệ. Song cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, ngành vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, trong tổng số hơn nửa triệu lao động đang làm việc trong ngành chế biến gỗ và nội thất, chỉ có 55% lao động động lành nghề, còn lại đều là lao động phổ thông chưa được đào tạo và chưa có kinh nghiệm.
Chất lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng chưa được cải thiện, trong khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… ngày càng kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ gỗ. Bên cạnh đó, tăng trưởng nhanh cũng khiến các doanh nghiệp trong nước đối mặt với sức ép cạnh tranh, các nguy cơ gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ dễ dẫn đến bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo ông Nguyễn Văn Diện, để ngành gỗ phát triển bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, vốn, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết trồng rừng và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu rừng trồng sẽ tạo ra nguồn gỗ có chứng nhận; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chế biến sản phẩm gỗ và phụ phẩm gỗ nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu. Song song đó, có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dài hạn, có trình độ chuyên môn và năng suất cho ngành chế biến gỗ và sản phẩm nội thất.
Các đại biểu khác cũng cho rằng, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng của các doanh nghiệp nhỏ còn nhiều hạn chế. Chi phí gỗ nhập khẩu và chi phí hàng hoá xuất khẩu làm tăng giá thành, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với những hạn chế đó, các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, đào tạo lao động và nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ còn ít, thiết kế mẫu mã còn yếu, các chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển.
“Ngành gỗ lâu nay chưa được đầu tư nhiều. Nếu như Chính phủ quan tâm hơn sẽ tạo sức đẩy cho ngành này phát triển mạnh hơn nữa và đây cũng chính là vấn đề cần xem xét. Hiện trình độ công nhân ngành gỗ còn thấp, hệ thống công nghiệp hỗ trợ cho ngành gỗ rất yếu. Chúng ta làm sao để có hệ thống chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới”, PGS.TS. Trần Đình Thiên chỉ rõ.
Theo Báo Đầu Tư