close

Thúc đẩy xây dựng thương hiệu gỗ Việt

12.12.2022

Mặc dù ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển nhanh, kim ngạch xuất khẩu cũng liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ trên thị trường thế giới vẫn còn nhiều hạn chế, cần sự chủ động từ doanh nghiệp cũng như chính sách mang tính động lực của cơ quan quản lý.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). Ảnh: TTXVN

Trên đây là chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo thúc đẩy thương hiệu gỗ Việt do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 9/12.

Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp  cho biết, cả nước có khoảng 300 làng nghề, 5.580 doanh nghiệp tham gia ngành chế biến gỗ; trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 97,8 %; doanh nghiệp  quy mô lớn (trên 100 tỷ đồng) chỉ chiếm trên 2,2%. 

Doanh nghiệp chế biến gỗ đã chiếm trọn niềm tin, đáp ứng hầu hết nhu cầu tiêu dụng gỗ và sản phẩm gỗ của 100 triệu khách hàng trong nước. Tuy nhiên, ở thị trường xuất khẩu thì ngược lại, dù chiếm được niềm tin của các nhà bán buôn, các đại lý nhưng sản phẩm gỗ Việt chưa chiếm được niềm tin, tạo được ấn tượng tốt đối với khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đều phải xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thông qua thương hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Nguyên nhân là do chính sách phát triển thương hiệu ngành chế biến gỗ chưa được thực hiện. Các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chưa có kinh nghiệm, không đủ nguồn lực về vốn, con người, trình độ quản lý để phát triển hệ thống bán hàng ở nước ngoài, cơ sở nền tảng để xây dựng thương hiệu. Hơn nữa, việc phát triển thị trường ở nước ngoài đòi hỏi năng lực sản xuất quy mô lớn, ít có doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này.

Nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác, khó tuyển lao động có kỹ năng, cạnh tranh giữa các ngành sản xuất, dịch vụ với ngành gỗ; giá nhân công tại các khu công nghiệp tăng; lao động đào tạo bài bản chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của doanh nghiệp, đa phần phải đào tạo lại cho các khâu vận hành máy móc công nghệ hiện đại, thiết kế, phát triển sản phẩm, quản lý sản xuất.

Ông Trần Lê Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Định thông tin, Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo đó, ngành chế biến gỗ phải xây dựng và phát triển thương hiệu “Gỗ Việt”, khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu “Gỗ Việt”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Để phát triển thương hiệu ngành gỗ Việt cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cộng đồng doanh nghiệp gỗ cả nước; coi xây dựng, phát triển thương hiệu là rất cấp thiết gắn liền với tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển ngành và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam”, ông Trần Lê Huy nêu đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp cho rằng, thương hiệu là linh hồn của doanh nghiệp, thể hiện niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm và không chỉ về chất lượng mà còn cả về chính sách hậu mãi.

Thương hiệu tầm quốc gia giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, các doanh nghiệp đều đã có chiến lược của mình, muốn có thương hiệu quốc gia, từng doanh nghiệp phải xây dựng nền móng tốt.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang xây dựng nghị định về xây dựng thương hiệu các mặt hàng chủ đạo của nông nghiệp Việt Nam. Đây là bước khởi đầu để chuẩn bị cho việc xây dựng thương hiệu các ngành hàng một cách bài bản và hiệu quả thực tế hơn.

Chia sẻ tại hội thảo, các doanh nghiệp nhấn mạnh, đã đến lúc cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời mà cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Xây dựng thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận.

Xây dựng thương hiệu cho chính mình, các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo nên thương hiệu cho ngành gỗ Việt Nam. Chính thương hiệu sẽ làm tăng giá trị thương mại, không những góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, giá trị bán buôn nội địa mà còn định vị ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Theo Xuân Anh (TTXVN) - Báo Tin Tức

tin tức khác

Kim Tín bước vào năm 2023 thật vững vàng bản lĩnh

Trong không khí hân hoan của những ngày đầu năm 2023, Tập đoàn Kim Tín đã tổ chức thành công Lễ tổng kết 2022 và giao kế hoạch 2023 với sự tham gia của hơn 250 CBNV là cấp quản lý và những thành viên ưu tú nhất Tập đoàn.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn về hoàn thuế VAT đối với gỗ rừng trồng

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.

Tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tính hợp pháp cho việc nhập khẩu gỗ từ châu Phi

Hiểu biết về các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).

Kim Tín mang đến triển lãm VietNamWood 2022 các sản phẩm "xanh" đạt chuẩn CARB-P2/EPA

Từ ngày 18 -21/10/2022 Kim Tín tham gia Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp chế biến gỗ VietNamWood diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC). Gian hàng Kim Tín được thiết kế theo không gian mở với tông gỗ ấm áp giúp khách hàng dễ dàng tham quan và trải nghiệm sản phẩm.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ mở rộng thị trường

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao, trong đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất Thành phố Hồ Chí Minh. Ðây là tiền đề quan trọng để ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Tập đoàn Kim Tín tiếp tục thăng hạng trong top 500 Doanh nghiêp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022

Ngày 15/9, Công ty cổ phần (CP) Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022. Bảng xếp hạng lần lượt ghi nhận sự có mặt của hai thành viên thuộc Tập đoàn Kim Tín đó là Công ty CP Tập đoàn Kim Tín xếp hạng 254/500 và Công ty CP Kim Tín MDF Đồng Phú xếp hạng 342/500. Điều này đã cho thấy hệ sinh thái của Tập đoàn Kim Tín đang được củng cố để không ngừng phát triển.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn

Các doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, đào tạo lao động và nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước…
 
phone