close

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ mở rộng thị trường

06.10.2022

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao, trong đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất Thành phố Hồ Chí Minh. Ðây là tiền đề quan trọng để ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Khách tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại "Tuần lễ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất năm 2022".

Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) vừa tổ chức "Tuần lễ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất năm 2022". Ðây là chương trình nằm trong chuỗi triển lãm sản phẩm chuyên ngành được ITPC tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, ổn định sản xuất.

Diễn ra từ ngày 19 đến 25/7, "Tuần lễ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất năm 2022" quy tụ 32 doanh nghiệp tiêu biểu của ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ của thành phố với 1.132 sản phẩm được lựa chọn trưng bày. Ðó là các sản phẩm uy tín, chất lượng với mẫu mã đẹp và được chế tác kỹ thuật cao, sản phẩm sử dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường. Ðược mang đến sự kiện này là những sản phẩm tiêu biểu nhất, đã xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp với mong muốn giới thiệu với đối tác trong nước và quốc tế.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Công ty An Nguyên, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đem đến triển lãm nhiều sản phẩm làm từ mây tre mang đặc sắc riêng, thu hút nhiều khách hàng tham quan. Ông Phạm Văn Nguyên, Giám đốc Công ty An Nguyên, chia sẻ: Mới đầu, công ty nhập các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất về bán, sau này, mở rộng quy mô và tự nhập máy móc về sản xuất và bán sản phẩm. Hiện, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ra nước ngoài nhưng phải qua trung gian, bởi công ty chưa tìm được đối tác để xuất trực tiếp. Ðể tìm cơ hội, công ty tham gia các chương trình kết nối cung cầu, qua đó tìm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu với giá tốt hơn. Ðến với "Tuần lễ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất năm 2022", Công ty An Nguyên hy vọng có thể kết nối được với các đối tác nước ngoài hoặc các doanh nghiệp trong nước để đẩy nhanh phát triển công ty.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất của Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển bền vững, tăng trưởng xuất khẩu ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ, thể hiện tay nghề khéo léo, tài hoa của người thợ Việt, là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo và sự sáng tạo nghệ thuật. Mỗi sản phẩm đều mang bản sắc văn hóa của Việt Nam, truyền tải và gửi gắm tâm huyết và niềm tự hào của người con đất Việt.

"Tuần lễ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất năm 2022" như một kênh truyền thông hiệu quả giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đối tác. ITPC sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành thành phố, hiệp hội, hội ngành nghề và các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2000, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất của Việt Nam chỉ đạt ở mức khiêm tốn là 214 triệu USD thì đến năm 2004, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mốc 1 tỷ USD và cán mốc 6,9 tỷ USD vào năm 2015. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ vẫn đạt 14,12 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020.

Ðến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ sáu thế giới với hơn 4% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới; đứng thứ hai châu Á và đứng đầu khu vực Ðông Nam Á. Ðây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, đóng góp không nhỏ vào tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã có mặt tại hơn 163 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần quảng bá các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Theo các chuyên gia, thị hiếu và xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ đang thay đổi theo hướng sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế dự báo sẽ ngày càng được phát triển. Ðiều này tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, làng nghề truyền thống khi quy mô sản xuất chưa tập trung, nhỏ lẻ, công nghệ, thiết bị sản xuất chậm đổi mới và quản lý chất lượng, thiết kế chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Trần Phú Lữ cho biết thêm, các doanh nghiệp cần xác định hướng chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 là xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ ổn định; ngoài nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu hợp pháp, phải mở rộng mô hình liên kết trồng rừng giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với các hộ trồng rừng để xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước ổn định, bền vững. Tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất và đào tạo nâng cao tay nghề người thợ, nâng cao năng lực thiết kế và quản trị chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Báo Nhân Dân

tin tức khác

Kim Tín bước vào năm 2023 thật vững vàng bản lĩnh

Trong không khí hân hoan của những ngày đầu năm 2023, Tập đoàn Kim Tín đã tổ chức thành công Lễ tổng kết 2022 và giao kế hoạch 2023 với sự tham gia của hơn 250 CBNV là cấp quản lý và những thành viên ưu tú nhất Tập đoàn.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn về hoàn thuế VAT đối với gỗ rừng trồng

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.

Tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tính hợp pháp cho việc nhập khẩu gỗ từ châu Phi

Hiểu biết về các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).

Thúc đẩy xây dựng thương hiệu gỗ Việt

Mặc dù ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển nhanh, kim ngạch xuất khẩu cũng liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ trên thị trường thế giới vẫn còn nhiều hạn chế, cần sự chủ động từ doanh nghiệp cũng như chính sách mang tính động lực của cơ quan quản lý.

Kim Tín mang đến triển lãm VietNamWood 2022 các sản phẩm "xanh" đạt chuẩn CARB-P2/EPA

Từ ngày 18 -21/10/2022 Kim Tín tham gia Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp chế biến gỗ VietNamWood diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC). Gian hàng Kim Tín được thiết kế theo không gian mở với tông gỗ ấm áp giúp khách hàng dễ dàng tham quan và trải nghiệm sản phẩm.

Tập đoàn Kim Tín tiếp tục thăng hạng trong top 500 Doanh nghiêp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022

Ngày 15/9, Công ty cổ phần (CP) Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022. Bảng xếp hạng lần lượt ghi nhận sự có mặt của hai thành viên thuộc Tập đoàn Kim Tín đó là Công ty CP Tập đoàn Kim Tín xếp hạng 254/500 và Công ty CP Kim Tín MDF Đồng Phú xếp hạng 342/500. Điều này đã cho thấy hệ sinh thái của Tập đoàn Kim Tín đang được củng cố để không ngừng phát triển.

Doanh nghiệp ngành gỗ cần chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn

Các doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, đào tạo lao động và nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước…
 
phone